Lấy dấu vân tay kẻ ấu dâm từ ảnh chụp
Tên tội phạm đã bị lần ra manh mối từ một lọ thuốc hiện lên ngay trong chính bức ảnh hắn tung lên mạng - Ảnh: CNN |
Theo Đài CNN, đây được coi như một trong những ví dụ điển hình nhất của việc áp dụng thành công công nghệ số vào công cuộc truy lùng tội phạm của các nhà điều tra.
Lấy được dấu vân tay từ ảnh chụp
Trong vụ việc này, gã bệnh hoạn đặt một đứa trẻ lên một cái bệ trong nhà tắm để chụp ảnh những hành vi thú tính của hắn, sau đó tung lên mạng. Ở phía nền sau của bức ảnh, người ta nhìn thấy những vật dụng khác nhau, trong đó có cả lọ thuốc của hắn. Tuy thế, khi phóng to hình ảnh lọ thuốc thì các chi tiết trên đó không thể đọc được.
Nhưng tại phòng thí nghiệm chuyên ngành, đặc vụ Jim Cole thuộc Trung tâm chống tội phạm mạng của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã có một công nghệ mới nhất hỗ trợ. Với công nghệ thậm chí còn chưa được công bố với dư luận này, các nhà điều tra có thể nhìn thấy chữ đầu tiên trong tên của kẻ phạm tội là "Stephen". Họ cũng nhìn thấy hai ký tự đầu tiên của chữ cuối cùng trong tên hắn và ba chữ số đầu tiên trong thứ tự của đơn thuốc.
Từ những thông tin này, nhà điều tra đề nghị cửa hàng dược rà soát thông tin mọi khách hàng có các đặc điểm khớp với những yếu tố đó. Danh sách nghi phạm thu hẹp dần, cuối cùng "lộ" ra tên "Stephen Keating".
Nhưng thế chưa hẳn đã hết. Các ngón tay của gã tội phạm ấu dâm cũng xuất hiện trong bức ảnh. Và điều không thể tin được là các nhà điều tra còn lấy được cả dấu vân tay của hắn từ bức ảnh đó.
Đặc vụ Cole nói: "Đó là lần đầu tiên chúng tôi có thể làm như vậy".
Với tất cả chứng cứ hoàn toàn thuyết phục, nhà điều tra đã buộc Stephen Keating phải lãnh án tù và cứu thoát được 14 nạn nhân của hắn.
Đặc vụ Cole là đồng sáng lập Tổ chức Project VIC có trụ sở tại Washington, D.C chuyên ứng dụng công nghệ trong điều tra, phá án. Mục tiêu của họ là phát hiện và giải cứu các em nhỏ là nạn nhân bị xâm hại tình dục trong thời gian nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên để làm được điều đó, khối lượng công việc với họ là rất lớn. Mỗi tuần, họ phải xem khoảng 500.000 bức ảnh, theo đó một năm là hơn 25 triệu bức.
Với vụ việc như của tên Keating, nếu trước đây phải mất nhiều tháng để giải quyết thì nay nhờ hỗ trợ của công nghệ, họ chỉ mất ba tuần đã phá án thành công.
Công nghệ Photo DNA
Sử dụng công nghệ có tên Photo DNA, các máy tính của Project VIC sẽ quét qua hàng trăm ngàn bức ảnh nhanh chóng, hệ thống hóa theo các hạng mục những bức ảnh họ đã thấy để giúp nhóm điều tra tập trung vào các nạn nhân mới.
Ông Cole cho biết: "Công việc này trước đây từng ngốn của chúng tôi tới 9 tháng, thì nay chỉ còn mất một tháng. Nó giúp chúng tôi đánh giá một video với tốc độ nhanh hơn 100 lần so với trước, rõ ràng đã làm thay đổi hoàn toàn công việc của lực lượng thực thi pháp luật".
Công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn giảm bớt áp lực nặng nề về tâm lý với các nhà điều tra khi phá những vụ án kiểu này.
Một vụ việc đáng kể khác cho thấy công nghệ đã giúp các nhà điều tra lần ra manh mối nữ tội phạm thông qua một bức ảnh tưởng như vô hại của cô này và nạn nhân của cô ta trong một chuyến cắm trại. Bức ảnh cho thấy người phụ nữ cùng đứa trẻ đang cầm một con cá ở một điểm cắm trại.
Hình ảnh con cá được tách khỏi bức ảnh và gửi tới Đại học Cornell, nơi này cung cấp cho các nhà điều tra thông tin về khu vực địa lý mà người ta có thể bắt được con cá đó.
Còn hình ảnh của khu vực cắm trại (sau khi đã tách bỏ hình ảnh đứa trẻ và người phụ nữ xâm hại em) đã được gửi tới mọi công ty quảng cáo ở khu vực đã bắt được con cá.
Trong quá trình lần tới địa điểm cắm trại thực tế, người ta đã thấy chính bức ảnh của họ được dán ở phòng đón tiếp. Ông Cole cho biết: "Chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ, chúng tôi đã xác minh được danh tính cô ta".
Đứa trẻ đã được giải thoát và người phụ nữ đó hiện đang thụ án 25 năm tù.
Lại có một trường hợp khác liên quan tới bức ảnh của một kẻ ấu dâm xâm hại một bé gái. Nhóm điều tra của Project VIC đã nhận ra logo công ty trên chiếc áo dài tay của người đàn ông, nhưng không thể giải mã được những gì viết trên đó.
Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, họ đã gần như đọc được rõ ràng logo này. Sau khi tìm kiếm trên mạng những cái tên có thể phù hợp với các ký tự trên logo, các nhà điều tra đã lần ra được một công ty thi công hệ thống ống nước. Gã tội phạm ấu dâm là nhân viên cũ của công ty này và đương nhiên hắn đã sa lưới pháp luật sau đó, 4 nạn nhân của hắn được giải thoát.
Vấn nạn toàn cầu
Số lượng những hình ảnh tương tự như trong các vụ án vừa nêu đang ngày càng được chia sẻ nhiều hơn trên mạng. Năm ngoái, Trung tâm quốc gia về tìm kiếm trẻ em bị lợi dụng và mất tích (NCMEC) nhận được 4,4 triệu thông báo gửi tới kênh tiếp nhận CyberTipline của họ. Kể từ năm 2013, số lượng cảnh báo đã tăng gần 800%.
Ngoài những thông tin do công luận gửi tới, các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google và Twitter cũng được các cơ quan chức năng của Mỹ đề nghị phối hợp hỗ trợ điều tra, gửi thông báo về những hình ảnh đó.
Theo giám đốc Lindsay Olson phụ trách một bộ phận của NCMEC, 94% các vụ việc năm ngoái xảy ra bên ngoài nước Mỹ.
Internet không có biên giới, vậy nên cơ quan thực thi pháp luật của các nước cũng cần vượt qua những biên giới địa lý truyền thống để có thể hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trong công cuộc chống loại tội phạm dạng này.
Source http://nhipsongso.tuoitre.vn/tin/20170314/lay-dau-van-tay-ke-au-dam-tu-anh-chup/1280165.html
Post a Comment