90% game trực tuyến tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc
Các game trực tuyến dành cho thiết bị di động được phát hành trong 3 tháng đầu năm vừa qua tại Việt Nam là Giang Hồ Kỳ Hiệp, Thiên Tử, Thanh Vân Chí, Nhất Thống Giang Hồ, Hoàng Tảo Giang Hồ, Kiếm Vũ, Chiến Quốc Bá Nghiệp... đều có điểm chung là có nội dung và xuất xứ từ Trung Quốc. Không chỉ thể loại nhập vai, một số game bắn súng và vũ đạo nhưPhục KíchhayAudition Love, dù mang phong cách một số game Hàn Quốc nhưng cũng là sản phẩm của các nhà phát triển Trung Quốc. Tỷ lệ game đến từ các khu vực khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... ít một cách hiếm hoi.
Văn hóa, lịch sử, kiến trúc Trung Quốc đang được truyền tải qua các trò chơi di động tới hàng triệu game thủ Việt. |
Nguyên nhân được nhiều nhà phát hành Việt đưa ra phần lớn liên quan tới phong cách sản phẩm của các trò chơi được nhập về.
"Người dùng Việt đã quá quen và ưa chuộng game kiếm hiệp, tiên hiệp và trò chơi có đề tài Tam Quốc. Những game này chỉ đối tác Trung Quốc mới sản xuất thôi. Nếu lựa chọn game từ các quốc gia khác, sẽ phải đứng trước rủi ro ít người chơi bởi có phong cách khác biệt", ông Đức Quỳnh, đại diện nhà phát hành SohaGame cho biết.
SohaGame là đơn vị có số lượng game Việt được phát hành khá lớn, đồng thời có ký kết hợp tác với các studio lớn trong nước như Hiker Games, Joy Entertainment... Tuy nhiên, so với lượng game Trung Quốc đang vận hành, con số này gần như không đáng kể.
"Theo dự đoán cá nhân của tôi, có đến 90% game online đang phát hành tại Việt Nam hiện nay đều đến từ thị trường Trung Quốc", ông Quỳnh nhận định.
Còn với VNG và VTC Mobile, hai đơn vị chiếm tỷ trọng lớn ở mảng game mobile hiện nay, hầu hết sản phẩm được phát hành đều có xuất xứ từ nước "láng giềng". Một số dự án game mua về từ Hàn Quốc và châu Âu đã sớm phải đóng cửa do hoạt động không hiệu quả. VNG từng mua lại sản phẩm của một số studio game trong nước, cũng như có bộ phận tự thiết kế trò chơi, nhưng đến nay chỉ có hai sản phẩm là Khu Vườn Trên Mây và Dead Target gây được tiếng vang ở thị trường game di động quốc tế, tuy nhiên cả hai đều đã ra mắt cách đây nhiều năm.
Mới đây, một trang tin game lớn của Trung Quốc, 178.com, còn nói rằng "game Trung Quốc sản xuất đang thống trị thị trường Việt Nam", trong đó, họ dẫn chứng hẳn tên các game thành công tại Việt Nam như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Tây Du Ký, Kiếm Thế, Tinh Thần Biến...
Với cộng đồng game thủ, dù không còn quá yêu thích các trò chơi thuộc thể loại kiếm hiệp, tiên hiệp, Tam Quốc... nhưng họ không có nhiều lựa chọn để thay đổi. "Tôi chán chơi game Trung Quốc từ khá lâu rồi, nhưng tìm game nước khác mà được Việt hóa và có hỗ trợ lại không có. Có lẽ các nhà phát hành trong nước đều muốn lựa chọn phương án an toàn", Quang Anh, một game thủ chia sẻ.
Nguyễn Linh, một game thủ từng chơi rất nhiều game online trên di động, cho biết: "Nhìn vào bề nổi thì thấy đa phần là game Trung Quốc được mua về và quảng cáo rầm rộ. Nhiều game quốc tế nổi tiếng là hay nhưng về Việt Nam thì khó sống, do không hợp văn hóa chơi game trước giờ".
"Trong tương lai gần, khi game Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường thì đó là lúc các nhà phát hành và nhà sản xuất Việt Nam gặp khó khăn. Những công ty Trung Quốc này sẵn sàng lập doanh nghiệp để tự kinh doanh, tận thu thị trường trong nước và đẩy dòng tiền ra nước ngoài", ông Quỳnh nhận định.
Cả hai đơn vị phát hành game lớn nhất nước, VNG và VTC Mobile đều không có ý kiến gì về thực trạng thị trường game hiện nay.
Post a Comment