Samsung từ sự cố Note 7 đến lợi nhuận kỷ lục - Công nghệ - Zing.vn
Một ngày tháng 7, Jay Y Lee - người đứng đầu tập đoàn Samsung - bước vào phiên điều trần trước tòa ở Seoul, nơi ông phải trả lời những câu hỏi của các công tố viên. Lee đang bị điều tra vì các cáo buộc tham ô và đưa hối lộ, một phần của vụ bê bối chính trị khiến bà Park Geun-hye, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bị phế truất.
Bê bối làm rúng động xứ sở Kim Chi bắt nguồn từ một con ngựa đua.
Nơi diễn ra buổi điều trần là một căn phòng không cửa sổ nằm ở tầng 5 của tòa nhà. Căn phòng kín chỗ bởi sự hiện diện của các luật sư, nhà báo và người dân - những người quan tâm tới vụ việc. Cái nóng bao trùm căn phòng chật kín, khiến mọi người đều vã mồ hôi. Lee cùng bốn bị cáo là những người trong ban điều hành của Samsung liên tục lau trán và nhấp những ngụm nước trong bầu không khí ngột ngạt.
Lee và các đồng nghiệp bị buộc tội hối lộ bà Park và một trong những người bạn thân thiết của bà để đổi lấy sự ủng hộ cho việc sáp nhập giữa hai công ty của Samsung đang hoạt động độc lập, bước đi nhằm làm tăng quyền kiểm soát của Lee với tập đoàn.
Các công tố viên cáo buộc hình thức hối lộ là Vitania V, một con ngựa đua trị giá 800.000 USD, cùng khoản quyên góp 17 triệu USD cho một quỹ do bạn thân bà Park đứng đầu nhằm tạo động lực cho con gái bà ta có thể giành quyền tham dự Olympic 2020. Tại tòa, các thành viên của ban giám đốc Samsung gọi sự hỗ trợ này là biện pháp thúc đẩy thể thao thành tích cao của Hàn Quốc trong kỳ Olympic sắp tới.
Có mặt tại tòa, Lee mặc bộ đồ màu xanh đậm. Khi còn trẻ, "Thái tử Samsung" là một tay đua xe chuyên nghiệp, từng giành huy chương tại các giải vô địch châu Á. Năm nay, vào dịp sinh nhật tuổi thứ 49, Lee đang chăm chú lắng nghe những diễn biến của phiên điều trần, thỉnh thoảng mỉm cười và chuyển những tờ ghi chú cho các luật sư.
Kết thúc phiên điều trần, Lee ra xe trở lại phòng giam mà chẳng ai nhớ chúc ông một sinh nhật vui vẻ, dấu hiệu nhỏ khác cho thấy sự suy yếu của đế chế Samsung, công ty hùng mạnh nhất của Hàn Quốc.
Được thành lập năm 1938 bởi ông Lee Byung-chull, ông nội Jay Y Lee, Samsung ngày nay là tập đoàn của 60 công ty liên kết với nhau. Nó là điển hình cho công ty gia đình được biết đến với cái tên Chaebol của Hàn Quốc. Công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đóng tàu, xây dựng, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo, thể thao và thế mạnh nhất là điện tử.
Công ty Điện tử Samsung chiếm hơn 2/3 giá trị thị trường của tập đoàn. Bất chấp những cáo buộc liên quan tới bộ máy lãnh đạo và đặc biệt là sự cố nổ pin siêu phẩm Galaxy Note 7 cuối năm 2016, Samsung vẫn tăng trưởng. Trong bản báo cáo kinh doanh gần nhất được công bố hôm 27/7, Samsung cho biết doanh số bán hàng tăng 20% so với năm trước và lợi nhuận hoạt động tăng 74%. Hai mảng chính mang lại mức doanh thu kỷ lục là sản xuất chíp và điện thoại, trong đó có công lớn của siêu phẩm Galaxy S8.
Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư hân hoan vui mừng, người Hàn Quốc lại bày tỏ sự phản đối. Khi xuất hiện những cáo buộc nhằm vào Lee và bà Park, các cuộc biểu tình kéo dài hàng tuần được tổ chức ở Seoul nhằm chống lại mối quan hệ thân thiết giữa chính phủ và các chaebol đang kiểm soát nền kinh tế đất nước. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ chiến dịch cải cách dân chủ hồi năm 1980.
"Những gì tốt cho Samsung là tốt cho Hàn Quốc" đã từng là khẩu hiệu quan trọng của đất nước. Sau Chiến tranh Liên Triều, các chaebol đóng phần không nhỏ đưa Hàn Quốc trở thành một nền kinh tế lớn mạnh của thế giới. Giờ đây, các cuộc thăm dò cho thấy sự hỗ trợ dành cho các cheabol đã suy giảm nghiêm trọng bởi những cáo buộc dùng tiền gây ảnh hưởng một cách bất hợp pháp. Chính phủ mới của Tổng thống Moon Jae-in đang cam kết làm minh bạch hóa mối quan hệ giữa chính phủ với các cheabol.
Bên trong Samsung Electronics, sự tức giận cũng đang bùng lên. Công ty này luôn tự tin về năng lực kỹ thuật nhưng vấn đề bắt nguồn ở văn hóa có tính phân cấp dựa trên lòng trung thành, sự cống hiến và tôn kính. Nền văn hóa này phù hợp với những công ty phần cứng nhưng nếu muốn cạnh tranh với Thung lũng Silicon trong công nghệ dịch vụ đám mây hay trí tuệ nhân tạo, Samsung Electronics cần thay đổi.
Suốt quá trình hình thành và phát triển, gia đình họ Lee gần như kiểm soát hoàn toàn Samsung, biến nó trở thành chaebol lớn nhất của Hàn Quốc. Việc Chủ tịch Lee Kun-hee lâm bệnh đặt áp lực lớn lên vai người kế nghiệp Jay Y Lee trong việc duy trì kiểm soát tập đoàn. Con ngựa đua gần 1 triệu USD chính là một phần trong tham vọng duy trì quyền lực của Lee.
Để hoàn tất thương vụ củng cố quyền lực, Lee cần cái gật đầu của National Pension Service, quỹ hưu trí lớn bậc nhất thế giới, vốn đang kiểm soát cổ phần của công ty sắp sáp nhập. Để chắc chắn, Lee tìm kiếm sự ủng hộ từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, dẫn tới bê bối phế truất tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc.
Vài tháng trước bê bối với Phó chủ tịch điều hành Jay Y Lee, Samsung phải vất vả thu hồi hàng triệu chiếc Samsung Galaxy Note 7 trên toàn cầu vì sự cố nổ pin. Áp lực tạo ra một chiếc điện thoại vượt trội được cho là nguyên nhân khiến Samsung vấp ngã và thiệt hại nhiều tỷ USD. Danh tiếng tập đoàn này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tai họa liên tiếp ập xuống đầu Samsung khi cả tập đoàn này đang hân hoan vì một năm vượt trội hơn hản so với Apple trên thị trường điện thoại thông minh ở Mỹ. Tuy nhiên, họ mất tất cả khi những chiếc Note 7 đua nhau nổ. Không chỉ phá hỏng một chiếc smartphone trị giá hàng trăm USD, những vụ nổ còn gây cháy nhà, phá hủy xe ôtô hay làm bị thương người sử dụng. Nó biến thành cơn ác mộng tồi tệ nhất với Samsung.
Quyết định thu hồi đã được đưa ra. Một đội đặc biệt nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trưởng phòng truyền thông mảng di động thường xuyên phải có mặt ở văn phòng lúc 7h sáng để giải quyết cuộc khủng hoảng và theo dõi quá trình thu hồi. Khoản chi phí 5 tỷ USD đã được sử dụng nhằm đổi lại chút danh tiếng cho Samsung.
Những người theo dõi Samsung có lẽ sẽ khó quên được hình ảnh các lãnh đạo của tập đoàn cúi đầu xin lỗi khi đưa ra những lời giải thích cho sự cố mà họ phải vật lộn để sửa chữa. Tuy nhiên, bản thân Samsung không bao giờ thừa nhận mình bị đánh bại bởi iPhone 7 dù sự cố khiến những chiếc Note 7 hoàn toàn biến mất trên thị trường.
Việc này cũng giống hệt cách Samsung phủ nhận nền văn hóa có tính phân cấp đang tồn tại trong bộ máy của mình dù nhiều năm qua, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã cố gắng thay đổi. Năm 2009, Samsung đưa ra chương trình nội bộ có tên Work Smart, thúc giục nhân viên làm tập trung để có thể nghỉ ngơi vào cuối tuần.
Năm 2012, Samsung tiếp tục giới thiệu chương trình 119 dành cho nhân viên trong các buổi đi chơi, giúp họ cảm thấy không cần phải dự những sự kiện mà sếp của họ tham dự. Nó cũng giới hạn một lần đi nhậu hay đi chơi ở những quán bar vì công việc phải kết thúc vào lúc 21h. Gần đây nhất, công ty ra mắt Startup Samsung để xóa bỏ những tồn tại của một bộ máy quan liêu.
Tuy nhiên, sự tôn kính ở Samsung là điều khó thay đổi. Ví dụ, các công nhân Samsung và nhiều công ty khác ở Hàn Quốc vẫn gọi tên đồng nghiệp theo vị trí họ đảm trách. Với cách gọi này, một nhân viên khó có thể nói chuyện thẳng thắn với lãnh đạo về những sai lầm của họ. Samsung đang cố gắng để các nhân viên gọi nhau bằng tên nhưng rõ ràng, nó khó có thể thay đổi trong một ngày.
Trải qua những khó khăn, Samsung thực sự hồi sinh sau khi bộ đôi Galaxy S8 và S8+ ra đời. Những sai lầm trên chiếc Note 7 đã được sửa chữa hoàn toàn. Thậm chí, Samsung còn cho ra mắt những chiếc Note 7 đã được sửa chữa để phục vụ người dùng yêu mền dòng sản phẩm này.
Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để đánh giá một cách chính xác nhất về sự hồi sinh của Samsung, hãy tham quan một khu đồng cỏ bằng phẳng nằm cách Seoul 80 km về phía nam. Ở đây, Samsung đang xây dựng nhà máy bán dẫn mới nhất, thương vụ cuối cùng mà Phó Chủ tịch Lee thông qua trước khi bị bắt vì bê bối pháp lý.
Pyeongtaek là nhà máy bán dẫn tối tân nhất nhất của Samsung, với phần lớn hoạt động được robot đảm trách. Sự ra đời của nó càng củng cố vị thế nhà sản xuất chip số 1 thế giới của công ty Hàn Quốc, vốn được duy trì trong 25 năm qua. Pyeongtaek cũng là lời nhắc cho vai trò của chip trong hoạt động của tập đoàn này. Thậm chí, gã khổng lồ Hàn Quốc còn thành lập một doanh nghiệp chuyên sản xuất chip cho đối thủ là Qualcomm và Apple.
Không chỉ dừng lại ở phần cứng, Samsung cũng đang lấn sân vào lĩnh vực phần mềm và trí tuệ nhân tạo để cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ như Amazon.com và Google. Công nghệ dịch vụ đám mây và trợ lý ảo giúp Samsung đồng bộ điện thoại, ti vi, máy giặt và tủ lạnh để tối ưu hóa nhu cầu người dùng. Thậm chí, vài năm trước, Samsung còn giới thiệu hệ điều hành Tizen nhưng nó hiện tại chủ yếu được dùng cho đồng hồ thông minh và một số thiết bị khác thay vì điện thoại.
Dù các sản phẩm khác như Samsung Health, Samsung Cloud và Milk Music đều khá thua kém so với đối thủ nhưng ví điện tử Samsung Pay là sản phẩm khá hứa hẹn, được sử dụng ở gần 20 quốc gia. Công ty cũng kỳ vọng trợ lý ảo Bixby sẽ là tiếng vang lớn cho hãng, đủ để cạnh tranh sòng phẳng với Siri của Apple, Google Assistant hay Alexa của Amazon.
Hôm 27/7, Samsung thông báo mức lợi nhuận quý cao kỷ lục. Theo đó, trong quý II/2017, lợi nhuận hoạt động của Samsung tăng 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 12,68 tỷ USD. Sản xuất chip là mảng kinh doanh tốt nhất của Samsung khi tăng gấp hơn 3 lần so với một năm trước đó.
Source http://news.zing.vn/samsung-tu-su-co-note-7-den-loi-nhuan-ky-luc-post767517.html
Post a Comment