Ông trùm drone trở thành tỷ phú trẻ nhất châu Á - Công nghệ - Zing.vn
F
rank Wang vừa nhảy vọt trong danh sách 100 tỷ phú giàu nhất làng công nghệ củaForbes với vị trí thứ 77 cùng khối tài sản trị giá 3,2 tỷ USD.
Ở tuổi 36, Wang chính là tỷ phú trẻ nhất châu Á. Anh chàng người Trung Quốc này sáng lập ra DJI 11 năm trước tại ký túc xá của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, sau đó mở ra một trung tâm sản xuất ở Thâm Quyến.
DJI - ông vua ở thị trường drone
Ngày nay, DJI thống trị thị trường drone (thiết bị bay không người lái) chủ yếu ở nhóm sản phẩm giá trên 1.000 USD, với đối tượng khách hàng là những tín đồ drone và nhà làm phim chuyên nghiệp.
Họ không thực sự tấn công mạnh mẽ nhóm sản phẩm giá 500 USD, nơi phải cạnh tranh với hàng trăm công ty sản xuất những chiếc drone dạng "đồ chơi".
DJI là hãng sản xuất drone thương mại lớn nhất thế giới. Ảnh:Getty Images. |
Nhiều fan hâm mộ gọi DJI là "Apple trong ngành sản xuất drone", bởi họ chiếm đến 70% thị phần drone tiêu dùng.
Họ cũng được biết đến như là công ty đầu tiên ở Trung Quốc đi tiên phong trong một lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Tính đến năm 2016, doanh thu của DJI là 1,5 tỷ USD (theoForbes), có văn phòng tại Trung Quốc, Hong Kong, Nhật, Bắc Mỹ và châu Âu.
DJI quá nổi tiếng với các sản phẩm drone thương mại, nhưng họ còn sản xuất hàng loạt sản phẩm khác như máy ảnh, gimbal, các loại nền tảng bay, phụ kiện cho trực thăng, bộ điều khiển robot…
Sản phẩm của DJI được sử dụng trong việc làm phim, nông nghiệp, nghiên cứu, hạ tầng năng lượng để hoàn thành công nghệ nhanh hơn, an toàn hơn với hiệu quả cao hơn nhiều lần trước đây.
Những ngày đầu
Sinh năm 1980, Frank lớn lên tại Hàng Châu, cũng từng là nơi đặt trụ sở của Alibaba.
Mẹ của Frank là một giáo viên còn bố anh là kỹ sư, truyền cảm hứng cho anh về những thiết bị kỹ thuật từ khi còn nhỏ.
Anh từng dành hết thời gian rảnh của mình để đọc về máy bay và luôn mơ ước về một thiết bị của riêng mình, có thể di chuyển theo anh kèm một chiếc camera. Frank được tặng một chiếc máy bay điều khiển từ xa vào năm 16 tuổi và làm hỏng ngay sau đó.
Frank sở hữu khối tài sản 3,2 tỷ USD, đứng thứ 77 trong số những tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới. Ảnh:Getty. |
Học đại học chuyên ngành tâm lý nhưng anh lại dành hết thời gian để nghiên cứu về các thiết bị bay. Anh chế tạo, phát triển bản mẫu những chiếc máy bay không người lái mini.
Với thành tích học tập yếu kém, Frank không đủ tiêu chuẩn đi du học Mỹ như mong muốn, đành học tại Trung Quốc và sau đó là Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong năm 2003.
Frank cảm thấy khá vô nghĩa với các bài học trên lớp nhưng tìm thấy cảm hứng khi tham gia một nhóm phát triển hệ thống điều khiển trực thăng.
Anh thường xuyên bỏ học và thức đến 5h sáng để hoàn thành dự án này nhưng thất bại trong màn trình bày trước cả lớp. Tuy nhiên, dưới sự giúp đỡ của Giáo sư Li Zexiang - người phát hiện ra tài năng và tố chất lãnh đạo của anh, Frank đã thành công trong việc phát triển chiếc trực thăng mini thực hiện chuyến bay đầu tiên lên gần đến đỉnh Everest.
Đó là cơ sở để công ty của anh thành lập: Da-Jang Innovation Technology (DJI). Trong 2 năm đầu, công ty này có 4 thành viên gồm Frank Wang, Jinying Chen, Zhihui Lu và Chuquiang Chen.
Zhihui Lu là thành viên nhỏ tuổi nhất. Anh này đóng cửa công ty riêng, chuyển đến Thâm Quyến với 100 USD trong túi để gia nhập DJI. 2 thành viên còn lại cũng bỏ việc để tham gia vào nhóm của Frank. Chujiang Chen thậm chí bị phạt 4.600 USD vì bỏ việc.
Quy mô của thị trường drone tăng hàng tỷ USD mỗi năm (số liệuGartner). |
Họ làm việc trong một căn hộ 3 phòng ngủ với nguồn vốn là số tiền học bổng của Frank. Lúc này, Frank thường xuyên quay những video từ chiếc trực thăng mini của mình và bán cho các trường đại học Trung Quốc hoặc công ty nhà nước - cũng là những khách hàng đầu tiên của DJI sau này. Anh thu về khoảng 6.000 USD trong khi chi phí bỏ ra chỉ khoảng 2.000 USD.
Đến cuối 2006, DJI đã có thể bán khoảng 20 bộ điều khiển mỗi tháng và nhận khoản đầu tư 90.000 USD từ một người bạn của gia đình Frank.
Sau 2 năm, chiếc drone đầu tiên của DJI được phát triển và cả 3 nhà sáng lập còn lại đều rời DJI.
Phát triển thần tốc
Từ sở thích thuở nhỏ, Frank đã biến nó thành một công việc làm ăn chân chính. DJI bắt đầu làm những bộ điều khiển bay tối tân với tính năng tự lái. Đến năm 2011, anh đã có thể giảm chi phí cho một bộ điều khiển như vậy xuống dưới 400 USD so với mức 2.000 USD ban đầu.
Một chi nhánh của công ty có tên DJI North America được thành lập. Một năm sau, DJI lắp ráp các mảnh ghép công nghệ của mình để tạo ra một chiếc drone hoàn chỉnh: phần mềm, linh kiện, khung, gimbal và bộ điều khiển.
Lượng drone bán ra tại Mỹ cho sở thích cá nhân luôn cao hơn nhiều so với mục đích thương mại từ 2015 đến nay. |
Sau đó, công ty ra mắt thiết bị đầy tham vọng của mình - Phantom - vào tháng 1/2013. Đây là chiếc Quad-copter lắp đặt sẵn (thiết bị bay 4 cánh quạt) đầu tiên có thể bay lên không trung hàng giờ mà không bị hỏng hóc.
Sự đơn giản và tiện dụng của nó đã mở ra cả một thị trường. Đến giờ, Phantom vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của hãng. 30% doanh thu của DJI đến từ Mỹ, 30% từ châu Âu, 30% từ châu Á và 10% còn lại từ Mỹ Latin và châu Phi.
Hiện tại, họ chính là công ty sản xuất drone thương mại lớn nhất thế giới, doanh thu đạt khoảng 460 triệu USD năm 2016.
Source http://news.zing.vn/ong-trum-drone-tro-thanh-ty-phu-tre-nhat-chau-a-post774677.html
Post a Comment