Trí tuệ nhân tạo chỉ thắng người lười
Năm 2001, thế giới bắt đầu biết đến AI từ bộ phim viễn tưởng "A.I." của đạo diễn Steven Spielberg. 16 năm đã qua, AI không còn là chuyện viễn tưởng nữa với những ứng dụng AI phục vụ đời sống |
Ben Nelson - một tên tuổi có tiếng trong cộng đồng doanh nhân, khởi nghiệp doanh nghiệp số ở Mỹ - trao đổi vớiTuổi Trẻnhân chuyến công tác ngắn ngày của ông tại VN trong tháng 4, bắt đầu từ một mô hình dạy học mới.
Sửa đổi những khiếm khuyết truyền thống
* Sau thành công với thương vụ Snapfish, ông tiếp tục với dự án thành lập ĐH chất lượng cao giá rẻ Minerva. Khởi nguồn câu chuyện ra sao?
- Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi được nhận vào ĐH Pennsylvania (một trong các trường ĐH danh tiếng nhất nước Mỹ). Tuy đây là ngôi trường mơ ước của rất nhiều người, cha mẹ tôi rất tự hào, nhưng tôi lại thấy xót xa vì ông bà phải dành gần trọn số tiền tiết kiệm cả đời để tôi đóng học phí.
Vào những năm 1990, học phí ĐH này khoảng 25.000 USD mỗi năm. Tôi băn khoăn vì thấy học phí quá cao so với số tiền người học bỏ ra, nhiều trường thậm chí không truyền tải được thông điệp thật sự của giáo dục là đào tạo người học có khả năng tự nghiên cứu, tìm tòi tri thức và thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của xã hội.
Tôi rất bức bối về vấn đề này thời điểm đó, nhưng không thể thay đổi được điều gì. Ý tưởng về một trường ĐH chất lượng cao, học phí rẻ và tận dụng tối đa các lợi ích của công nghệ manh nha xuất hiện trong đầu.
Khi đi làm và có điều kiện thuận lợi, tôi quyết định hiện thực hóa giấc mơ năm nào với tham vọng sửa đổi những khiếm khuyết trong mô hình giáo dục truyền thống.
* Người thân của ông nghĩ gì khi nghe ông kể về ý tưởng này?
- Giống như phản ứng của rất nhiều người khác, họ cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời nhưng hoàn toàn bất khả thi. Tôi lại nghĩ điều chưa có ai làm không có nghĩa là tôi sẽ nắm chắc thất bại, đó chỉ là định kiến của chính chúng ta.
Không thể nói nhiệm vụ "bất khả thi" nếu chúng ta chưa từng cố gắng làm hết mình.
Năm 2016, tỉ lệ nhận sinh viên của chúng tôi là 1,9%, tỉ lệ nhận giáo sư ứng tuyển là 1,2%, trong đó rất nhiều người đến từ Harvard, Stanford, MIT... Con số này chứng tỏ xã hội đã ghi nhận vai trò của chúng tôi.
* Vì sao vậy?
- Minerva khác với mô hình các khóa học trực tuyến mở đại trà với những bài giảng được ghi và phát lại, trong khi sinh viên của Minerva sẽ được tương tác, học trực tiếp với giảng viên từ bất cứ nơi đâu thuận tiện (ký túc xá, sân trường), các em vẫn được tham gia những hoạt động ngoại khóa ở trường...
Mô hình giáo dục truyền thống chỉ làm một nhiệm vụ là cung cấp kiến thức đến người học, trong khi hiện nay với sự xuất hiện của Internet thì đây là điều chúng ta hoàn toàn có được, thậm chí không phải tốn đồng nào.
Chúng tôi có thể quản lý sát sao chất lượng học và dạy. Chẳng hạn với công nghệ riêng, chúng tôi có thể giám sát, hoàn toàn nắm rõ sinh viên nào phát biểu tích cực, sinh viên nào quá thụ động, giáo sư giảng dạy ra sao... để từ đó nhanh chóng can thiệp, giải quyết vấn đề.
Ông Ben Nelson |
AI không thể thắng những bộ não cầu tiến
* Qua những chia sẻ của ông, tôi hình dung về một nơi mà ranh giới giữa thực và ảo bị xóa nhòa. Điều đó khiến tôi nghĩ về AI và câu chuyện công nghệ tối tân đang dần "quản lý" con người.
- Điều chúng tôi làm không hẳn là AI, mà chỉ là phân tích dữ liệu, dùng thuật toán để nắm rõ tình hình, từ đó giúp mọi người đưa ra những quyết định, giải pháp thông minh hơn. Ví dụ chúng tôi có một công cụ có thể "dò" được số thời gian trò chuyện hoặc tham gia thảo luận trong lớp của bất kỳ sinh viên nào.
Giáo sư chỉ cần dùng công cụ này sẽ biết được sinh viên nào tham gia thảo luận tích cực, sinh viên nào không... Điều chúng tôi làm giúp con người phát triển ở một "tầm" mới, khai phá tối đa tiềm năng của họ.
* Ông nghĩ gì khi dần có một số minh chứng thể hiện máy móc, AI thông minh hơn con người?
- Đúng là có một số câu chuyện được nêu ra để nói về việc máy móc, AI có những bước phát triển đáng kinh ngạc và thông minh hơn so với con người, chẳng hạn như trong chơi cờ, đánh golf, phân tích dữ liệu...
Tuy nhiên, tôi cho rằng sự tiến triển của AI trong thập kỷ qua vẫn còn hạn chế và không đáng lo ngại. Cá nhân tôi lại thấy lạc quan, có góc nhìn tích cực với AI hay những gì công nghệ đang mang lại cho con người.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực thông tin liên lạc, trước đây con người muốn liên lạc với nhau phải viết thư, sau đó điện thoại xuất hiện và giờ chúng ta lại có email, mạng xã hội...
Công nghệ giúp chúng ta làm được những điều tưởng chừng không thể làm trong quá khứ. Thật ra, còn khá sớm để chúng ta ngồi tiên đoán, lo sợ những giả thuyết về sự ảnh hưởng lớn của AI, so sánh AI với trí tuệ con người ở thời điểm hiện tại.
* Nhưng rất dễ nhận ra máy móc khiến con người dần trở nên bị lệ thuộc ở nhiều cấp độ, nó còn khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng... Những điều này rõ ràng rất đáng lo ngại.
- Tôi thừa nhận mình chưa đủ giỏi để có thể hiểu hết các vấn đề của AI, nhưng tôi nghĩ AI chỉ có thể chiến thắng những con người lười lao động, quá ỷ lại vào công nghệ chứ không thể lấn lướt những bộ não siêu việt, chăm chỉ và cầu tiến của con người.
Trong quá khứ cũng từng có nhiều tranh cãi về vai trò của điện thoại hay email, nhưng cuối cùng mọi thứ đều tiến triển tốt đẹp. Sự phát triển của máy móc, công nghệ tốt hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của con người.
Và một lần nữa, với cuộc cách mạng máy móc, AI sẽ buộc giáo dục truyền thống phải thay đổi, "lột xác".
Tham vọng thay đổi giáo dục truyền thống Ben Nelson (sinh năm 1975, người Mỹ) tốt nghiệp hạng ưu ngành kinh tế tại ĐH Pennsylvania - một trong tám trường thuộc Ivy League (hệ thống các trường ĐH danh tiếng và lâu đời nhất nước Mỹ). Ông từng là CEO của Snapfish - một ứng dụng chia sẻ hình ảnh được Tập đoàn Hewlett-Packard sau đó mua lại với giá 300 triệu USD. Sau thương vụ với Hewlett-Packard, ông trở thành sáng lập viên, chủ tịch kiêm CEO của ĐH Minerva với chủ trương áp dụng công nghệ phục vụ việc dạy và học, "cải tạo" kiểu dạy truyền thống và giảm học phí tối đa. Hiện tỉ lệ tuyển chọn đầu vào của Minerva có lúc cao hơn cả một số trường Ivy League. |
* Quốc gia đang phát triển có thể tận dụng AI như thế nào? AI có ứng dụng rất rộng lớn, trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Đối với VN, AI có thể giúp chúng ta "đi tắt đón đầu" để làm cuộc cách mạng về sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, AI sẽ giúp chúng ta dự đoán về mùa màng, năng suất của cây trồng (loại cây nào phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương nào…), về dịch bệnh và hiệu quả của các loại thuốc (khi nào dịch bệnh sẽ bùng nổ, ở đâu và tốc độ lan truyền như thế nào), thậm chí dự đoán giá cả của nông sản sẽ thay đổi ra sao… Hay như câu chuyện về quy hoạch và quản lý đô thị. AI có thể giúp phân bố giao thông, dự đoán những điểm kẹt xe trong thành phố hoặc những "điểm nóng" về tội phạm… Tiến sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo Vũ Duy Thức (ĐH Stanford, Mỹ) * Các ngành nghề nào sẽ bị ảnh hưởng với AI? Tôi cho rằng trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là khi các quy trình lặp đi lặp lại như lắp ráp hay những công đoạn có thể tự động hóa được. Trong thực tế hiện nhiều công ty cũng đã làm điều này, như trong các nhà máy sản xuất ôtô hay hàng tiêu dùng. Với sự phát triển ứng dụng AI gần đây, đặc biệt là các xử lý (nhận dạng, phân loại…) về hình ảnh và video cũng như phân tích dữ liệu, việc tự động hóa sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ như trong y tế, ứng dụng kiểu Siri (có thể hiểu là tư vấn, trả lời tự động) có thể chẩn đoán bệnh tật, cung cấp thông tin về các cách điều trị căn bản. Ứng dụng này sẽ thay thế công việc của các nhân viên tư vấn điện thoại trong khu vực dịch vụ. Xe tự lái sẽ ảnh hưởng công việc của các tài xế… Trong giáo dục, ứng dụng Siri cũng được áp dụng để người học tự tìm câu trả lời cho một số vấn đề muốn hỏi. Tiến sĩ ngành khoa học máy tính Huỳnh Phùng Huynh (ĐH Quốc gia Singapore) * Mặt tiêu cực của AI? Về lĩnh vực việc làm, AI sẽ giải phóng con người khỏi những công việc chân tay, máy móc và rập khuôn. Những ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là những ngành nghề không đòi hỏi nhiều kỹ năng, trí tuệ và sự sáng tạo. Giải pháp duy nhất là chúng ta nên đào tạo lại lực lượng lao động, nâng cấp kỹ năng mềm lẫn chuyên môn ở họ. Một mặt tiêu cực của AI có thể là con người sẽ trở nên quá phụ thuộc vào nó mà quên đi những mối quan hệ tình cảm giữa con người với nhau. Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo Lê Trúc Việt (ĐH Quản lý Singapore) |
Source http://nhipsongso.tuoitre.vn/tin/20170419/tri-tue-nhan-tao-chi-thang-nguoi-luoi/1300371.html
Post a Comment