Người Triều Tiên lén lút kết nối bên ngoài bằng điện thoại Trung Quốc
Từ Hàn Quốc, một người đàn ông lái xe đến ngọn núi giáp biên giới Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Sau vài phút nhìn xung quanh để chắc chắn là không có ai, anh vội giao chiếc điện thoại Trung Quốc cho cô gái có tên Ju Chan-yang đang đợi sẵn.
Dùng điện thoại ở Bắc Triều Tiên
Cô gái 25 tuổi lập tức dùng chiếc điện thoại này để nói chuyện với cha cô – người đã chạy khỏi Triều Tiên 2 năm về trước. Đây là lần đầu tiên sau khoảng thời gian chạy trốn, 2 cha con mới nói chuyện với nhau.
"Chúng tôi chỉ nói chuyện được khoảng 10 phút trước bị mất kết nối đột ngột. Cha tôi đã mất ngủ đêm hôm đó, sợ rằng tôi có thể bị lính Bắc Triều Tiên bắt giữ, đánh đập", Ju kể lại vớiNYTimes.
Cảnh tượng trên không phải hiếm tại khu vực ngã ba biên giới Hàn Quốc – Trung Quốc – Triều Tiên. Trên thực tế, đây là khu vực cầu nối để người dân Triều Tiên liên lạc với thế giới bên ngoài, chủ yếu là những người đã đào tẩu khỏi đất nước.
Thế nhưng, khả năng đi khỏi Triều Tiên thấp hơn rất nhiều dưới thời Kim Jong Un.
Năm 2014, người đứng đầu Triều Tiên đã ra lệnh thắt chặt an ninh bằng "màn chống muỗi", nhằm ngăn chặn thông tin từ bên ngoài tràn vào, cũng như không cho người dân trong nước liên lạc đi quốc tế. Chiến dịch trên cũng khiến số người rời khỏi Triều Tiên giảm hơn một nửa, từ 2.914 trường hợp năm 2009 xuống còn 1.276 trường hợp vào năm 2015.
Ông Kim cũng tăng cường trấn áp các vụ buôn bán điện thoại di động nhập lậu từ Trung Quốc bằng cách triển khai thêm binh lính dọc khu vực biên giới, đồng thời trang bị hệ thống gây nhiễu sóng di động để ngăn các cuộc gọi được thực hiện. Trong một báo cáo dài 57 trang mang tên "Connection Denied", Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho biết, người Bắc Triều Tiên nếu bị bắt quả tang đang thực hiện các cuộc gọi điện thoại có thể bị buộc tội. Nếu họ gọi ai đó ở Hàn Quốc hoặc các nước khác bị "dán nhãn" là kẻ thù, họ có thể bị quy vào tội ăn cắp và bị tống giam.
Smartphone Pyongyang 2404 do Triều Tiên sản xuất
"Người dân gần như không thể biện minh cho hành động của mình, và bị tống giam dù nhu cầu gọi điện ra nước ngoài là cơ bản, là nhu cầu thiết thực ở nơi khác trên thế giới", Arnold Fang, tác giả của báo cáo, cho biết.
Nếu bị bắt, hối lộ là cách duy nhất để không bị ngồi tù. Kang Mi-jin, 49 tuổi, phóng viên tờDaily NK(trang tin có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc) nói về vấn đề này ở Bắc Triều Tiên: "Khi ai đó gọi cho tôi (từ Triều Tiên), họ phải đóng cửa và có người canh phòng bên ngoài. Họ cũng nên chuẩn bị sẵn số tiền đề phòng trường hợp bị phát hiện, thường vào khoảng 2.000 tệ. Số tiền này thậm chí sẽ quyết định bạn sống hay chết".
Nhờ có các nguồn tin thân cận tại Triều Tiên, bà Kang biết được những gì đang xảy ra bên trong đất nước kỳ bí này. Chính bà là người đầu tiên biết được vợ của ông Kim là Ri Sol-ju đang mang thai vào năm 2012, cũng như ông này khập khiễng vì phẫu thuật mắt cá chân vào năm 2014.
Triều Tiên xây dựng và đưa vào vận hành mạng lưới di động riêng, bắt đầu từ 2008, liên doanh với Orascom của Ai Cập. Có tên là Koryolink, nhà mạng này đang có hơn 3 triệu thuê bao, chiếm 1/10 dân số nước này. Tuy nhiên, các cuộc gọi đi quốc tế hần như rất hạn chế, chủ yếu dành cho khách du lịch, còn dân thường rất hiếm khi. Ngay cả trong nước, việc gọi điện thường buộc phải thực hiện qua điện thoại cố định và bị theo dõi nội dung.
Việc truy cập Internet ở Triều Tiên hết sức khó khăn
Việc truy cập Internet cũng là điều xa xỉ đối với người dân Bắc Hàn, chủ yếu là khách du lịch và tầng lớp giàu có. Nhưng họ cũng không được phép trao đổi thư từ, email hoặc điện thoại với người ở Hàn Quốc. Do đó, việc gọi ra quốc tế phải lén lút và thực hiện ở dọc biên giới như đã nêu trên.
Thương nhân Triều Tiên từng sử dụng các phương thức liên lạc bất hợp pháp ở biên giới từ năm 1990 – khi nạn đói xảy ra. Nhưng sau khi trốn thoát, những người này tiếp tục quay lại buôn bán, cũng như hỗ trợ những người khác có hoàn cảnh chia lìa người thân. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, việc buôn bán điện thoại Trung Quốc lậu đang gia tăng ở miền Bắc.
Năm 2008, Choi Hyun-joon, 51 tuổi (một người từng thoát khỏi Bắc Triều Tiên, hiện sinh sống ở Seoul), đã thuê một người trung gian ở Trung Quốc tìm con gái Choi Ji-woo ở Bình Nhưỡng. Phải mất 2 tháng, người này mới có thể đưa con gái ông tới biên giới để gọi cho ông. Quá trình đưa đến cũng không hề đơn giản, khi anh ta phải lấy giấy phép đi du lịch cho cô gái (ở Bắc Triều Tiên, du lịch từ thị trấn này đến thị trấn được giám sát chặt chẽ).
Ông Choi Hyun-joon đang sử dụng điện thoại di động tại Hàn Quốc. |
Sau khi gặp mặt, ông Choi gửi cho con gái 8 triệu won (7.000 USD) thông qua việc trò chuyện từ chiếc điện thoại Trung Quốc. Tuy vậy, số tiền này khi đến tay con gái ông sẽ chỉ còn khoảng một nửa, bởi phải chịu "phí môi giới" mà người trung gian thu. Mỗi năm, những người trốn thoát thành công qua Hàn Quốc vẫn gửi về cho người thân ở Bắc Hàn hàng triệu USD thông qua người môi giới Trung Quốc.
"Bạn có thể mất 30 – 50% số tiền, nhưng đó là cách duy nhất để gửi tiền cho người thân", ông Choi cho biết.
Việc rời khỏi đất nước đôi khi cũng là sự kết hợp của điện thoại, lính Triều Tiên và người môi giới. Vào cuối 2010, cô Ju đã được bố mình gọi đến gần biên giới Trung Quốc. Cô hối lộ cho một người lính canh Triều Tiên sát biên giới số tiền lớn và được giúp bơi qua sông. Người lính đã dùng điện thoại Trung Quốc gọi tới người trung gian để đón ở bờ bên kia. Cuộc đào thoát khỏi đất nước của Kim Jong Un thành công.
Cuộc sống thường ngày ở Bình Nhưỡng:
Một tiết học tin học của học sinh Triều Tiên:
Bảo Lâm
Post a Comment